Cẩn thận kẻo ngộ độc Vitamin D

Vitamin D đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, đây có thể được coi là chất chống còi xương. Lý do chính là vitamin D có tác dụng thúc đẩy việc hấp thụ và chuyển hoá canxi và phospho. Thiếu vitamin D gây trở ngại cho việc hình thành xương dẫn đến bệnh còi xương.

Do vậy với các trẻ không có sữa mẹ, nếu sinh ra vào mùa đông ít có cơ hội tắm nắng sẽ dễ dẫn đến thiếu hụt vitamin D, nên cần bổ sung bằng đường uống. Hiện tại có hai loại vitamin D đường uống được dùng bổ sung cho trẻ nhỏ, một loại uống một liều duy nhất cho mỗi 6 tháng và một loại uống duy trì hằng ngày. Tuy nhiên, các bà mẹ cần lưu ý, với các loại sữa công thức hiện nay đã được các nhà sản xuất bổ sung khá nhiều vitamin D, vì vậy các bà mẹ cần tránh tùy tiện cho uống dài ngày các loại thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, trong đó có chứa vitamin D liều cao hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D.

Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích luỹ thuốc, làm tăng calci trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thừa vitamin D. Trẻ em dưới 1 tuổi được cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều > 400IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong. Trẻ nhỏ bị ngộ độc vitamin D sẽ biếng ăn, buồn nôn và ói mửa. Trẻ luôn luôn khát nước và tiểu nhiều.

Tóm lại, vitamin D là một vitamin có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể người đặc biệt là với trẻ em. Tuy vậy, uống nhiều vitamin D quá không tốt cho cơ thể, thậm chí là gây nguy hại. Vì vậy, không được lạm dụng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ và tốt nhất hãy nhớ cách đơn giản lấy được vitamin D từ tự nhiên như: phơi nắng và dạo chơi ở ngoài trời nhiều hơn.

(Nguồn: http://diembao.vfa.gov.vn/)

Giữ bộ ngực đẹp không bị … sau khi cho con bú

  • Cách chọn mặc áo ngực

Ngực cũng giống như bất kỳ một bộ phận nào khác trong cơ thể, cần ôxy để thở, để trao đổi chất và giúp lưu thông máu. Do đó, các bác sĩ khuyên bạn không nên mặc áo ngực quá chặt, có lớp mút quá dày.

Khi tập thể dục, chạy nhảy bạn nên mặc áo ngực, vì vận động mạnh sẽ làm cơ ngực bị xệ xuống. Đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh.

Các bạn nữ nên mặc áo có gọng để cơ ngực được nâng đỡ. Các loại áo có kích cỡ vừa phải không quá chật, quá rộng và lớp đệm mút vừa phải sẽ tốt hơn cho “đôi gò” của bạn. Khi chơi thể thao, bạn nên mặc những trang phục có chất cotton, dễ thấm mồ hôi, hoặc mặc các loại áo thun co giãn để ngực được “thở” lúc vận động.

Khi đi ngủ, bạn không nên mặc áo ngực vì khoảng thời gian này là thời điểm mà “đôi gò” cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Hơn thế nữa việc mặc áo ngực trong khi đi ngủ sẽ gây những tác động không tốt đến ngực.

Cho con bú làm mất dáng ngực?

Rất nhiều phụ nữ đã không dám cho con bú vì sợ làm ngực xấu đi, mất đi vẻ săn chắc trước khi sinh, những suy nghĩ này không hoàn toàn đúng.

– Trong thực tế, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho trẻ sơ sinh, mà không có loại sữa nào thay thế được.

– Khoa học đã chứng minh việc cho con bú sẽ giúp ngực không bị mắc các hiện tượng: tắc tuyến sữa, căng cứng hay áp xe ngực.

– Bạn nên cho con bú đều 2 bên để sau khi cai sữa kích thước của 2 “gò” không bị lệch nhiều.

Sau đây là một số động tác để có “đôi gò” hoàn mỹ

  • Động tác 1

Chống đẩy: Nằm sấp, 2 chân duỗi thẳng, mũi chân chống trên nền, 2 tay nâng ngực lên vuông góc với mặt đất. Giữ tư thế này trong vài phút, nên tập động tác này 2lần/ngày.

  • Động tác 2

Đẩy tạ: Mỗi tay cầm một chiếc tạ có trọng lượng từ 2,5 – 4kg, nằm ngửa trên băng ghế dài, duỗi 2 tay sang 2 bên, lòng bàn tay ngửa. Sau đó, thu 2 tay ép vào ngực. Lặp lại động tác này ít nhất 12 lần.

  • Động tác 3

Massage ngực: Khi tắm bằng nước ấm, bạn có thể dùng bàn tay massge quanh ngực theo chiều từ dưới lên trên khoảng 5 – 10 phút/lần. Nếu bạn duy trì được cách làm này thường xuyên, chắc chắn bộ ngực của bạn sẽ săn chắc lại hơn được rất nhiều.

Ngoài ra, để cân bằng kích thước 2 bên ngực, bạn có thể cải thiện tình hình trên bằng các cách sau: Tránh nằm nghiêng về bên ngực to hơn, mà nên nằm nghiêng về bên ngực nhỏ trong khoảng thời gian tương đối. Hầu như ai cũng có một tay thuận, do đó bạn nên tăng cường vận động bên tay không thuận, thường xuyên thực hiện điều này sẽ làm cho 2 bên ngực trở nên cân bằng.

(Nguồn: yduocsyhanoi.com)

Quá bận để cho con bú

1. Sợ “hỏng” vóc dáng, con không được bú

Trong xã hội mới, tình yêu là thứ không chắc chắn, ngày càng nhiều cuộc tình ngoài hôn nhân, cho thấy hôn nhân ngày càng trở nên mong manh. Ngoài việc kết hôn, có con cũng là một điều quan trọng nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Như vậy, phụ nữ vừa phải sinh được con, vừa phải giữ được vóc dáng hoàn hảo.

Thực tế chứng minh rằng, sau khi sinh con, vóc dáng cơ thể phụ nữ ít nhiều có sự thay đổi, hiếm có người giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Vì vậy, hiện nay có rất nhiều ngôi sao nữ lựa chọn sinh mổ và không cho con bú, lấy con cái và sự gợi cảm của mình để giữ lấy trái tim người đàn ông.

a
Rất nhiều phụ nữ sau khi sinh con đã sớm trở lại với công việc để kiếm tiền, việc cho con bú đúng thời gian đã không thể thực hiện được.

2. Quá bận để cho con bú

Phụ nữ hiện đại đang ngày càng độc lập, họ không chỉ phải làm con, làm vợ và làm mẹ trong gia đình, mà còn có công việc với nhiều cương vị khác nhau ngoài xã hội.

Mặc dù được nhà nước quy định dành thời gian nghỉ đẻ cho các bà mẹ, nhưng phần lớn phụ nữ không muốn vì sinh con mà nghỉ việc kéo dài. Rất nhiều phụ nữ sau khi sinh con đã sớm trở lại với công việc để kiếm tiền, việc cho con bú đúng thời gian đã không thể thực hiện được. Vì vậy, họ dứt khoát từ bỏ cho con bú, gửi con cho bố mẹ già hay thuê người chăm sóc.

3. Sữa bột có thể thay thế sữa mẹ ?

Ở rất nhiều bệnh viện hay có các nhân viên marketing chào hàng sữa bột, các bà mẹ trẻ đã thường xuyên nhận được các chiêu thức quảng cáo ngay từ khi chuẩn bị sinh con. Hơn nữa, một số bệnh viện còn giới thiệu sữa cho các bà mẹ khi em bé chào đời.

Khi mới sinh em bé, “núi đôi” của một số bà mẹ chưa có sữa ngay, họ đã nghe theo lời thầy thuốc dùng sữa bột thay thế. Trong khi đó, vị giác của trẻ vừa mới sinh rất quan trọng, khi chúng đã thích mùi vị của sữa bột thì sẽ từ chối sữa mẹ. Hiện nay, sữa bột được quảng cáo rất mạnh, do đó những bà mẹ trẻ cho rằng, con ăn sữa bột sẽ tốt hơn sữa mẹ, và họ kiên quyết cho bé ăn sữa bột.

Ngoài ba lý do chính nêu trên, còn nhiều lý do cá biệt khác. Nhưng nói chung, chỉ có sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

Các chuyên gia cho biết, quan điểm cho con bú ảnh hưởng đến vóc dáng như lo lắng của các bà mẹ trẻ là không khoa học. Rất nhiều phụ nữ, kể cả các ngôi sao lớn đều kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ. Họ không những không bị biến dạng về vóc dáng, hơn nữa cho con bú còn giúp họ tăng cường trao đổi chất, hồi phục nhanh hơn vóc dáng quyến rũ của mình.

Còn công việc quá bận là một việc bất đắc dĩ, nhưng nếu ai có điều kiện thì nên cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện nay đã có đồ dùng giữ ấm cho sữa mẹ, trước khi đi làm các bà mẹ trẻ có thể vắt sữa ra đó để cho trẻ ăn khi đói, sau đó mới dùng thêm sữa bột cho con ăn.

Mặc dù hiện nay sữa bột đã có rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng không thể nào so sánh được với sữa mẹ. Sữa mẹ không những giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, giảm mắc bệnh, mà còn có thể tăng cường tình mẫu tử, và là một phần không thể thiếu cho sự phát triển đại não và trí lực của trẻ. Cho nên các bà mẹ trẻ nên nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con bú, để các bé lớn lên một cách khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

(Nguồn: báo Hoàn Cầu)

Nghệ thuật trò chuyện với Bé yêu

Hãy dùng những từ thật đơn giản, dễ hiểu và nói thật rõ ràng, thu hút sự chú ý của con bằng những biểu cảm khuôn mặt, mắt, miệng. Đồng thời, bạn cũng nên thay đổi âm lượng, giọng điệu để bé cảm thấy hứng thú hơn. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã đưa ra những bí quyết để các bậc cha mẹ có được cuộc trò chuyện thật thú vị với thiên thần nhỏ của mình:
Hãy thường xuyên chuyện trò với Bé
Hãy thường xuyên chuyện trò với Bé

– Nhìn vào mắt và gọi tên con khi trò chuyện;

– Nói những câu đơn giản và thường xuyên sử dụng các từ ngữ yêu thương vỗ về như: bé yêu, con gái xinh đẹp, công chúa của mẹ…

– Xưng “bố” hoặc “mẹ” khi nói chuyện với bé;

– Ngắm nhìn biểu hiện trên nét mặt và những âm thanh do bé phát ra để có những biểu hiện đáp lại tương tự;

– Sử dụng cử chỉ trong quá trình trò chuyện với con, những điệu bộ sinh động sẽ giúp bé dễ dàng cảm nhận những gì bạn nói;

– Hỏi bé: “Con gái của mẹ có thích sữa không nè?”, “Con có thích đi chơi không nè?” Bạn nên hỏi những câu đơn giản, dễ thương như vậy vì dù không thể trả lời, bé vẫn có thể hiểu được rằng bạn đang quan tâm đến bé;

webtretho_trò chuyện với con

Hãy chăm nói chuyện với con, mẹ nhé! (Ảnh: Inmagine)

– Nói về những gì bạn đang làm, chẳng hạn như khi cho con ăn, tắm hoặc thay tã cho con, bạn nên nói cho bé nghe và nhớ đề cập đến bé trong câu chuyện của bạn nhé;

– Đọc cho con nghe những câu chuyện, bài thơ, bài vè với giọng điệu lôi cuốn và truyền cảm. Tốt nhất, bạn hãy đọc cho con nghe những câu chuyện thiếu nhi, những bài thơ về tình mẫu tử, về tuổi thơ… dù con bạn không thể hiểu được tất cả những gì nghe được nhưng chắc chắn điều này rất hữu ích cho bé;

– Hát cho bé nghe – điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết khi bé bắt đầu học nói;

– Quan sát các tín hiệu bé phát ra để có những hồi đáp phù hợp, nếu bé chăm chú nhìn bạn và cười thích thú thì có nghĩa bé đang muốn bạn tiếp tục câu chuyện của mình đấy nhé.

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Pediatrics.about.com

Cần nhớ khi tắm cho bé

me va be cung tam Cần nhớ khi tắm cho bé

  • Trước tiên cần chuẩn bị tốt phòng tắm và những đồ sinh hoạt cho trẻ như khăn bông, chậu tắm, sữa tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da cho trẻ….Khi tắm nhiệt độ thích hợp nhất trong phòng là 24 độ C, trẻ mới sinh khoảng 7 ngày cần tắm trong phòng với nhiệt độ từ 24 – 28℃, nhiệt độ nước là 38~40℃.
  • Thứ hai, xoa người cho trẻ tay cần mềm mại, thời gian tắm cho trẻ không nên quá dài thông thường là từ 3 – 5 phút. Thời gian tắm quá dài có thể làm trẻ sơ sinh mệt mỏi và dễ cảm lạnh.
  • Thứ 3, không cần thiết lúc nào cũng phải cho trẻ tắm bằng xà phòng hoặc sữa tắm. Nếu sử dụng sữa tắm cần đảm bảo dội nước cho sạch để tránh kích thích cho làn da. Ngoài ra cần chú ý lựa chọn sữa tắm thích hợp cho làn da. Vào những ngày thời tiết khô hanh, sau khi tắm cần xoa chút kem làm mềm vào cơ thể trẻ để tránh rạn nứt da.
  • Thứ 4, khi cuống rốn của trẻ chưa rụng hết không nên để trẻ trực tiếp ngâm mình trong chậu nước, chỉ nên dùng khăn ấm để lau phần quanh rốn hoặc xung quanh bụng để tránh nước ô nhiễm ảnh hưởng đến rốn.

(Nguồn: quanaotreemdep.net)

Cách tắm khi con bị sốt

Sau khi đưa con đi bệnh viện khám vì bị sốt, vợ chồng mình đã được bác sĩ tư vấn cho các tắm đúng khi bé bị sốt. Mình chia sẻ để các mẹ cùng biết nhé!

  • Đối với trẻ nhỏ, có vô vàn lý do khiến trẻ sốt: sốt mọc răng, sốt do viêm họng, sốt virút, sốt do bệnh tay chân miệng… Cho dù lý do là gì đi nữa các bà mẹ cũng sẽ vô cùng lo lắng, nếu ta xử lý không kịp, để trẻ sốt cao có thể ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ, tai biến thật khó lường.
  • Trước kia khi không hiểu biết, mọi người thường nói với mình rằng nếu em bé bị sốt cao, đem đến bệnh viện Nhi Đồng thì người ta sẽ lột trần truồng em bé, cho nằm chơ vơ trong phòng lạnh hoặc đem nhúng vào bồn nước. Nếu chỉ có nghe đến đó thôi thì khó có bà mẹ nào dám đưa con đến bệnh viện vì xót con, vì e ngại sau khi hết sốt phải lo đến chữa bệnh sổ mũi và ho cho bé. Tâm lý của người Việt mình là khi trẻ sốt, không bao giờ được tắm cho trẻ. Vậy có bao giờ bạn tìm hiểu thử xem tắm đúng cho trẻ khi sốt như thế nào không? Sau khi tìm hiểu kỹ càng và được bác sỹ khám bệnh cho em bé tư vấn thêm, mình xin được chia sẻ phương pháp tắm này:
  • Khi bé sốt bạn sẽ được khuyên cho bé uống thuốc cứ cách nhau 4-6 giờ. Tuy nhiên, không phải khi nào uống thuốc xong bé cũng hết sốt ngay. Tắm đúng nhằm mục đích hạ sốt cho não bé, giúp nhiệt độ cơ thể bé hạ bớt vì để cao quá não bé sẽ bị ảnh hưởng.
  • Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. Nhiệt độ của nước tắm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và trong quá trình tắm bạn cũng phải đảm bảo được điều này. Nếu lạnh quá bé sẽ bị sốc nhiệt. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ. Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.
  • Trong bệnh viện Nhi Đồng, nếu hiểu rõ bạn cũng sẽ an tâm khi thấy con mình được bác sĩ tắm khi bị sốt. Chắc chắn đó không phải là hành động “nhúng nước” như mọi người hay bàn tán.
  • Ngoài ra còn 1 kỹ thuật nữa mà bác sĩ nhắc vợ chồng mình khi bé bị sốt là hãy cho bé vào trong phòng máy lạnh nếu bé quá sốt. Hãy đảm bảo nhiệt độ phòng được mát (thấp nhất là 20 độ). Có thể cởi trần bé, vì cơ thể bé đang sốt cho nên bạn an tâm, bé sẽ không bị lạnh đâu.
  • Ngoài ra theo các bác sĩ thì các mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, nên lau mát cơ thể bé thường xuyên (đắp trán, lau vùng nách, bẹn). Nếu bình tĩnh xử lý, cùng với thuốc mà bác sĩ kê đơn em bé sẽ tốt hơn nhiều.

Chúc các mẹ thành công!

(Nguồn: MaskOnline)

Tắm nắng cho con

Vì sao phải tắm nắng?

Tại Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng – Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, mỗi ngày các bác sĩ thường tiếp xúc với rất nhiều trẻ em bị còi xương do thiếu vitamin D.

Tắm nắng là phương pháp dùng ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm tiếp xúc trực tiếp lên da để tổng hợp vitamin D. Vitamin D đóng vai trò quyết định trong việc thành lập và tăng trưởng xương của trẻ em do làm tăng hấp thu can-xi và phot-pho ở niêm mạc ruột.

80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da. 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu, vv…).

Thiếu vitamin D sẽ gây giảm hấp thu calci. Hậu quả là làm giảm calci trong máu khiến bé bị còi xương, biến dạng xương. Vì vậy để phòng còi xương cho bé, các mẹ nên cho bé tắm nắng hàng ngày.
Bé mấy tháng tuổi mới được tắm nắng?

Có thể các mẹ sẽ rất bất ngờ, nhưng theo các bác sĩ, trẻ em từ 2 tuần tuổi trở đi là đã cần phơi nắng.

Ở nước ta các bà, các mẹ thường có thói quen bao bọc, ủ ấm trẻ sơ sinh quá kỹ, khiến cho bé ít có cơ hội được tiếp xúc với không khí trong lành bên ngoài. Do đó, tỷ lệ trẻ còi xương của bé nước ta vẫn khá cao.

Tắm nắng như thế nào là tốt nhất?

Vào sáng sớm, lúc mặt trời mọc chưa nóng (thường từ 7h đến 9h, về mùa hè nên tắm nắng từ 6h30 đến 7h30, không nên tắm nắng buổi chiều). Chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh sáng mặt trời để tắm nắng cho bé. Thoạt đầu, có thể vén áo, quần để tắm nắng tay, chân và mông trẻ, sau đó tuỳ tiết trời dần dần mở rộng phạm vi để hở da thịt trẻ.

Về mùa đông, buổi sáng thường ít nắng và nhiều gió, các mẹ có thể tranh thủ cho bé tắm nắng từ 16h – 17h chiều.

Nên tắm nắng trong bao lâu?

Lúc đầu chỉ nên tắm nắng trong vài phút đều đặn mỗi ngày, sau tăng dần, khi trẻ được 3 tháng trở lên có thể tắm nắng trong khoảng nửa giờ. Trung bình yêu cầu 2 tiếng/tuần hay 10-15 phút/ngày tùy vào khả năng phơi nắng của trẻ và mức độ phát triển xương vận động (nếu trẻ ít ốm hoặc trẻ có biểu hiện của chớm còi xương có thể phơi nắng lâu hơn).

Chú ý tránh tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Cả mẹ và bé cùng tắm nắng để tạo cảm giác thân thương, gần gũi (nựng nịu, cho bé bú; đến thời điểm phát triển phù hợp, tập cho bé ngồi, đỡ tay cho bé đi, chơi đùa cùng bé…), giúp bé thích thú khi bé tắm nắng.

Chú ý điều gì sau khi tắm nắng cho bé?

Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm ngay sau khi tắm nắng.

Một số lưu ý các mẹ không thể không đọc khi tắm nắng cho con:

– Nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng non.

– Tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào mặt và đầu trẻ, nên cho trẻ đội mũ.

– Không nên phơi nắng qua cửa kính vì như thế sẽ không có tác dụng.

– Thời gian tắm nắng quá lâu, từ 30-40 phút trở lên sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ

– Ngay cả trong mùa đông vẫn có thể tắm nắng cho trẻ nếu trời có nắng. Tuy nhiên, nên tránh những ngày thời tiết bất thường hoặc vào thời điểm giao mùa.
(Nguồn: afamily)

Những sơ ý dễ gây hại cho bé

1. Lắc bé khi bế
Khi bế bé, bạn chú ý không nên lắc mạnh, như vậy bạn đã vô tình làm hại đến bé đặc biệt là rất nguy hiểm đối với những bé từ 10 tháng tuổi trở xuống. Thời gian đó, cổ của bé còn rất yếu, chưa đủ sức nâng đầu bé, não của bé rất mềm và chưa cố định. Khi bạn lắc, phần não của bé bị trấn động, va chạm vào hộp sọ, các mạch máu nhỏ bị rách, chảy máu và gây tổn thương trong não. Bé càng nhỏ tuổi thì càng nguy hiểm, đặc biệt là các bé từ 10 tháng tuổi trở xuống.

2. Để bụng bé bị nhiễm lạnh
Bụng của bé vô cùng mẫn cảm với nhiệt độ không khí, và sợ nhất là bị lạnh. Khi bụng bé bị nhiễm lạnh, nhu động ruột sẽ tăng lên gây ra đau bụng, đi ngoài. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của bé dẫn đến sức đề kháng giảm và bé sẽ dễ bị mắc nhiều bệnh truyền nhiễm hơn.

3. Chọc bé cười lúc bé đang ăn
Phần yết hầu là cửa ngõ của khí quản và thực quản, vừa ăn vừa cười rất dễ khiến cho thức ăn rơi vào khí quản, gây ho không dứt. Nếu những thức ăn cứng rơi vào khí quản thì rất có thể thức ăn đó sẽ bịt mất khí quản hoặc một nhánh của khí quản, khiến việc hô hấp của bé gặp khó khăn, rất nguy hiểm đối với bé.

4. Đi giày da cho bé khi bé đang tập đi
Khi bé bắt đầu tập đi, bạn phải chuẩn bị cho bé một đôi giày thích hợp. Có nhiều bố mẹ sắm cho bé một đôi giày da thật đẹp. Nhưng thực ra với giày da, phần mũi và đế của giày khá cứng, một đôi giày đế cứng và chật sẽ hạn chế hoạt động của đôi chân bé, khiến bé dễ bị đau chân, ảnh hưởng đến việc tập đi của bé.

5. Dùng nước quá nóng để rửa chân cho bé
Dùng nước nóng để rửa chân hoặc ngâm chân thường được các cha mẹ áp dụng khi chân nhức mỏi, nhưng nếu ta cũng áp dụng cách đó với bé thì là một sai lầm rất lớn. Trẻ sơ sinh có bàn chân mũm mĩm và hầu hết lòng bàn chân bẹt. Vòm bàn chân hình thành vào khoảng 2-3 tuổi rồi hoàn chỉnh dần đến khi 10 tuổi. Vòm bàn chân có tác dụng làm cho chân chuyển động mềm mại khi bé bước và chạy, bảo vệ mạch máu và dây thần kinh ở gan bàn chân. Dùng nước nóng để rửa hoặc ngâm chân cho bé sẽ khiến dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, từ đó chân bé sẽ trở nên “bẹt”, lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường.

6. Lấy ráy tai cho bé
Ráy tai cũng có những công dụng nhất định của nó, ví dụ như cản bụi bẩn, côn trùng bay vào tai, giảm tiếng ồn, bảo vệ màng nhĩ… Đôi tai của trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện, da và sụn còn rất mềm. Các mẹ lấy ráy tai cho bé nếu không cẩn thận sẽ rất dễ làm rách lớp da mỏng manh trong tai gây ra viêm nhiễm, nặng hơn là có thể làm tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực của bé.

(Nguồn: bvvietnamdonghoicuba.vn)

5 câu hỏi kinh điển quanh việc đóng bỉm cho con

1. Tôi đóng bỉm cho con khi đi ngủ buổi tối với mục đích cho con và bố mẹ được ngủ ngon. Vậy mà chẳng thấy tác dụng đâu cả, con vẫn bị ướt ngấm ra cả quần lẫn áo mặc dù tôi đã kiểm tra cẩn thận lúc đóng và cu Tí mới tè lần đầu tiên.

– Nhiều khi chất lượng bỉm không tốt sẽ không kịp ngấm khi bé tè. Đối với bé trai, khi đóng bỉm phải chú ý đến chim của bé, phải cho chúi xuống để bỉm có thể ngấm được nước tiểu. Ngoài ra, màng ngăn hai bên phải được kéo ra cẩn thận để không bị tràn nước tiểu ra ngoài khi bé tè.

2. Cách chọn bỉm cho con như thế nào?

– Để bé được thoải mái khi đóng bỉm thì việc lựa chọn bỉm phù hợp rất quan trọng. Khi mua bỉm, bạn nên chọn loại có màng đáy thoáng dạng vải, không quá dầy sẽ thích hợp hơn đối với làn da nhạy cảm của bé, nhất là vùng đùi nơi tiếp xúc với đáy tã. Hai bên vách chống trào của tã nếu được thiết kế mềm mại sẽ không gây vết hằn trên đùi, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Hơn nữa, các bà mẹ đặc biệt chú ý không nên chọn loại tã bên trong phần tiếp xúc với da trẻ có plastic và polyester. Kích thước của tã thích hợp theo từng lứa tuổi để tã không nén lên da đùi và bụng trẻ.

Bé gái thường bị ướt ở vị trí giữa hoặc về phía sau của tã khi nằm xuống, vì thế nếu chọn bỉm các mẹ cần chọn loại có thiết kế độ dầy tập trung vào vị trí trẻ có thể tiểu nhiều nhất, hoặc có thể chọn loại quần có đường diềm để ta lót thêm tã vải vào bên trong

Bé trai có khuynh hướng ướt ở vị trí phía trước của tã, vì thế ta cần chọn loại bỉm có lớp lót phụ thêm ở phía trước. Ngoài ra, do bé trai thường tiểu mỗi khi thay tã, vì thế có thể phủ thêm một lớp tã vải mỏng khác lên bộ phận sinh dục của bé và vệ sinh tã ngay khi phát hiện đã bị ướt.

3. Em mới sinh con lần đầu nên vẫn còn lóng ngóng khi chăm bé, nhất là việc đóng bỉm. Các mẹ có kinh nghiệm chỉ giúp em với?

– Không nên quấn chặt tã lót cũng như mặc quần quá dầy là một trong những kinh nghiệm chăm sóc giấc ngủ cho bé vì thế đóng bỉm để bé có giấc ngủ ngon hơn, để tránh cảm giác ướt át cũng như phải thay tã làm bé thức giấc.

Và các mẹ nhớ kĩ, tuyệt đối không được dùng kim băng để cài bỉm cho con nhé vì sẽ rất nguy hiểm khi trẻ cựa mình, đạp chân tay, kim băng bật ra đâm vào bé.

4. Đóng bỉm có làm chân bé bị vòng kiềng?

– Các mẹ nên nhớ, việc đóng bỉm không làm cho chân bé bị vòng kiềng. Tránh để trẻ bị bệnh còi xương là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chân vòng kiềng.

5. Con trai tôi được 13 tháng, buổi tối đi ngủ tôi thường đóng bỉm cho cháu, nhưng mọi người bảo cháu trai thi không nên đóng bỉm vì như vậy không tốt cho sự phát triển của tinh hoàn?

– Một công trình điều tra của Mỹ cho biết, loại tã giấy trẻ em (đóng bỉm) do kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ cục bộ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là vào khoảng 34 độ C. Khi nhiệt độ tăng lên tới 37 độ C và lâu ngày như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng sau này. Vì vậy, các bà mẹ nên chú ý hạn chế dùng tã giấy cho trẻ. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thì nên thay tã thường xuyên và không nên bắt trẻ đeo tã cả ngày.

Việc đóng bỉm buổi ban đêm là lựa chọn của phần đông các bà mẹ. Tuy nhiên bạn có thể chọn cho mình một hình thức khác nếu lo rằng đóng bỉm cho bé vào mùa hè là quá nóng.

(afamily.vn)