Cách chọn mua giày cho bé

Khi con bắt đầu tập đi, ba mẹ mua con một đôi giày mềm mại & đẹp đẽ. Nhìn đôi giày bé xíu, lòng ba mẹ chợt “nao nao”. Hình ảnh con bước đi lẫm đẫm, thật không thể nào tả hết được niềm hạnh phúc của ba mẹ. Ôi, dáng con ngả nghiêng làm ba mẹ thót tim. Chân con chưa học đi đã lo chạy, rồi con ùa vào vòng tay của ba mẹ…

Cách chọn mua giày cho bé

Với 15 năm trong ngành giày dép, thiết nghĩ bài viết này sẽ mang lại những thông tin rất thực tiễn cho các bạn. Làm thế nào để chọn cho con một đôi giày tốt? Mình xin phép không nói đến vấn đề “đẹp” bởi vì nó còn tùy thuộc vào thẩm mỹ cá nhân, ngoài ra, mình cho rằng với trẻ em thì đẹp không phải là vấn đề hàng đầu cần quan tâm.

Thế nào là một đôi giày tốt ?

Phải thừa nhận một điều là giày dép của nước ngoài rất chuẩn. Giày dép của Việt Nam, dù là các nhãn hiệu có uy tín, chủ yếu tập trung vào kiểu dáng mà thiếu chú trọng phần chất liệu & độ vừa vặn (fitting).

Mỗi kiểu giày của các nhãn hiệu lớn như Puma, Fila, Lacoste, Diesel …vv sản xuất tại Việt  Nam đều phải qua rất nhiều thử nghiệm ở phòng LAB như : độ bền vật liệu, độ ra màu của vật liệu nhuộm, vật liệu không được chứa các hóa chất độc hại, độ kháng xé của quai, độ bong tróc của hoa ăn in ấn, độ gãy gập của đế, độ bám dính của đế, độ mài mòn của đế, độ vừa vặn ôm chân của tất cả các size … Chính vì vậy, họ cho ra lò một đôi giày không chê vào đâu được.

giày đẹp cho bé, chọn giày cho bé, giày trẻ em

một đôi giày tốt cần phải có chất liệu tốt, có độ vừa vặn đúng chuẩn và thiết kế đúng

Nói chung, một đôi giày tốt là một đôi giày mang những đặc điểm chủ yếu sau:

1) Chất liệu tốt (thường là bằng da thật) & không chứa hóa chất độc hại (như Azoydye, Nickel, Formal..vv)

2) Có độ vừa vặn (fitting) đúng chuẩn.

3) Thiết kế đúng. Giải thích thêm một chút về cái này : thiết kế đúng là thiết kế cân xứng giữa các phần, theo chuẩn kỹ thuật, thực tiễn mang được.

Chọn giày cho con thế nào ?

– Chất liệu : Mềm (da, vải cấp) – Không nên chọn các loại giả da kém chất lượng (PU, PVC) vì chất liệu kém chất lượng không hút mồ hôi & rất nóng, rất hầm & chất liệu PVC có hại cho da vì chứa nhiều loại hóa chất độc hại.

– Đế giày : Có các hoa văn (sọc) & bằng cao su để chống trơn trượt.

– Quai : Nên chọn quai hở cho thông thoáng. Cài quai bằng miếng dán (nỉ gai/velcro) thì thuận tiện nhưng bé sẽ dễ dàng cởi giày ra một mình khi không thích mang.

– Độ vừa vặn : Vừa chân bé.

 

chọn giày cho bé, làm sao để chọn giày cho bé, giày đẹp cho bé

Khi chọn giày cho trẻ, bạn đừng nên bận tâm quá nhiều đến kiểu dáng thời trang.

Làm sao biết giày có vừa chân bé hay không ?

Bé lớn một tí thì còn hỏi được giày chật hay rộng, nhưng bé con 12 tháng tuổi của bạn thì làm sao mà biết? Bạn hãy làm cách này:

1) Nên mua & thử giày vào buổi chiều tối. Lúc đó chân to hơn buổi sáng.

2) Xỏ giày vô chân & giữ bé đứng thẳng chân.

3) Thử chiều dài : Nếu gót giày và gót chân bé cách nhau 1 khoảng mà ngón tay út của bạn cho vào lọt thì vậy là vừa đủ cho bé mang.

4) Thử độ ôm bàn chân : Bạn dùng 2 ngón tay túm thử phần quai giày. Nếu bạn túm không được, thì có thể là giày chật. Nếu bạn túm được, giày vừa.

Cách thức chọn cỡ giầy đúng với kích thước chân của trẻ nhỏ

Cho trẻ đứng thẳng, chân mang giày, luồng ngón tay trỏ theo gót chân và kiểm tra xem chúng có co ngón chân lại hay không. Nếu bạn không cần phải ráng sức thì đó là số giày đúng. Còn ngược lại bạn nên đổi số lớn hơn.

Đo đế giày: Vẽ bàn chân phải của trẻ lên một tờ giấy, bằng cách cầm thẳng viết và theo sát hình dạng của bàn chân. Cắt ra và ướm vào đế giày trái. Nếu còn dư ra 5mm – 1cm ở đầy mũi và ở sau gót thì giày vẫn còn vừa.

Và vào những ngày đẹp trời, chân của trẻ con và cả người lớn đều có khuynh hướng sưng lên một chút. Nên mua giày đi vào buổi chiều để chắc chắn rằng giày không quá chật.

Khi chọn giày cho trẻ, bạn đừng nên bận tâm quá nhiều đến kiểu dáng thời trang. Điều quan trọng là liệu đôi giày có bảo vệ tốt nhất và thúc đẩy quá trình quá trình phát triển chân của trẻ hay không, mẫu mã kiểu dáng của trẻ nhỏ tạo cảm giác đáng yêu, dễ thương là phù hợp với trẻ nhỏ rồi.

Khi bé chưa biết đi

Lúc này, giày chỉ có nhiệm vụ giữ ấm chân. Khi sinh ra bàn chân bé chỉ dài khoảng hơn 7cm và phát triển đến 12cm trong vòng 1 năm. Có thể chỉ cần cho bé mang tất. Nếu đi giày, chọn loại chất liệu mềm, thoáng khí. Tuyệt đối không sử dụng giày cao su vì chúng sẽ làm chân bé hấp hơi và ẩm ướt, dẫn đến lạnh chân, gây cảm lạnh.

Bé đang tập đi

Giày cho bé mới tập đi rất quan trọng để bé có dáng đi đẹp, đúng, xương chân phát triển thẳng. Tuy nhiên khi bé chập chững trong nhà, chỉ nên cho bé mang tất chống trượt hoặc để chân không. Vì lúc đó bé sẽ lấy thăng bằng dễ hơn và cảm nhận được đất, sàn nhà qua bàn chân.

Trong giai đoạn này, nên cho bé dùng giày thật nhẹ, thân cao, thường xuyên kiểm tra chân để thay đổi giày. Các nghiên cứu cho thấy, đối với các bé dưới 16 tháng tuổi, bàn chân sẽ tăng kích thước lên gấp rưỡi chỉ trong vòng hai tháng. Mang giày quá chật sẽ khiến các ngón chân trẻ bị tổn thương, chậm phát triển. Khi thay giày nên chú ý thay luôn cả tất, vì tất chật cũng gây hại như giày chật vậy.

Cũng không nên mua giày rộng vì chân sẽ “bơi” trong giày và bé rất khó điều khiển chuẩn xác bước đi, đồng thời cọ sát nhiều làm trẻ đau. Giày vừa vặn khi khoảng cách giữa ngón chân cái và mũi giày bằng tầm 1cm.

Quai cài giày cần ôm sát lấy chân, chất liệu mềm để không gây trầy xước. Nên dùng loại miếng dính hay khoá có lỗ xỏ để điều chỉnh, không nên cho bé đi giày “lười” trong giai đoạn này.

Các bé lớn hơn

Trẻ em đến 4, 5 tuổi đi đứng đã vững chãi và cẩn thận hơn thì có thể đi giày đế cao nhưng không quá 2cm, vì lực của toàn thân sẽ dồn xuống hết mũi chân gây tổn thương chân bé.

– Miếng lót giày nên gồ ghề một chút để tăng ma sát giúp chân bé bám chắc và giúp cơ bàn chân phát triển.

Quan trọng:

Vì chất lượng giày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chân bé, cho nên chúng ta nên cẩn trọng. Đừng nghĩ bé mau lớn, mang 2,3 tháng đã đổi giày, mà lại dễ dãi trong việc lựa chọn & mua giày rẻ tiền cho đỡ tốn. Giày cũ của bé vẫn có thể để lại cho em của bé hay con cháu trong nhà hay các bé nghèo, mồ côi. Không lãng phí đâu các bạn !

Mùa lạnh đã bắt đầu, giữ ấm cho đôi chân trẻ rất quan trọng. Những đôi giày xinh xắn làm tăng thêm vẻ dễ thương cho các bé và khiến các bà mẹ mê mẩn. Đừng vội nghe theo lời chào mời của các cô bán hàng, hãy để ý những điểm sau khi chọn giày cho con yêu của bạn.

– Không bao giờ mua giày cho bé mà không có bé đi cùng. Nên đi vào buổi chiều, vì chân bé cũng như chân người lớn, có xu hướng to ra một chút vào cuối ngày.

– Không nên quá chú trọng vào “mốt” vì điều quan trọng nhất là một đôi giày vừa vặn để nâng niu những bước đi đầu đời của trẻ.

 (Nguồn: RoyaleBaby.com)

5 câu hỏi kinh điển quanh việc đóng bỉm cho con

1. Tôi đóng bỉm cho con khi đi ngủ buổi tối với mục đích cho con và bố mẹ được ngủ ngon. Vậy mà chẳng thấy tác dụng đâu cả, con vẫn bị ướt ngấm ra cả quần lẫn áo mặc dù tôi đã kiểm tra cẩn thận lúc đóng và cu Tí mới tè lần đầu tiên.

– Nhiều khi chất lượng bỉm không tốt sẽ không kịp ngấm khi bé tè. Đối với bé trai, khi đóng bỉm phải chú ý đến chim của bé, phải cho chúi xuống để bỉm có thể ngấm được nước tiểu. Ngoài ra, màng ngăn hai bên phải được kéo ra cẩn thận để không bị tràn nước tiểu ra ngoài khi bé tè.

2. Cách chọn bỉm cho con như thế nào?

– Để bé được thoải mái khi đóng bỉm thì việc lựa chọn bỉm phù hợp rất quan trọng. Khi mua bỉm, bạn nên chọn loại có màng đáy thoáng dạng vải, không quá dầy sẽ thích hợp hơn đối với làn da nhạy cảm của bé, nhất là vùng đùi nơi tiếp xúc với đáy tã. Hai bên vách chống trào của tã nếu được thiết kế mềm mại sẽ không gây vết hằn trên đùi, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Hơn nữa, các bà mẹ đặc biệt chú ý không nên chọn loại tã bên trong phần tiếp xúc với da trẻ có plastic và polyester. Kích thước của tã thích hợp theo từng lứa tuổi để tã không nén lên da đùi và bụng trẻ.

Bé gái thường bị ướt ở vị trí giữa hoặc về phía sau của tã khi nằm xuống, vì thế nếu chọn bỉm các mẹ cần chọn loại có thiết kế độ dầy tập trung vào vị trí trẻ có thể tiểu nhiều nhất, hoặc có thể chọn loại quần có đường diềm để ta lót thêm tã vải vào bên trong

Bé trai có khuynh hướng ướt ở vị trí phía trước của tã, vì thế ta cần chọn loại bỉm có lớp lót phụ thêm ở phía trước. Ngoài ra, do bé trai thường tiểu mỗi khi thay tã, vì thế có thể phủ thêm một lớp tã vải mỏng khác lên bộ phận sinh dục của bé và vệ sinh tã ngay khi phát hiện đã bị ướt.

3. Em mới sinh con lần đầu nên vẫn còn lóng ngóng khi chăm bé, nhất là việc đóng bỉm. Các mẹ có kinh nghiệm chỉ giúp em với?

– Không nên quấn chặt tã lót cũng như mặc quần quá dầy là một trong những kinh nghiệm chăm sóc giấc ngủ cho bé vì thế đóng bỉm để bé có giấc ngủ ngon hơn, để tránh cảm giác ướt át cũng như phải thay tã làm bé thức giấc.

Và các mẹ nhớ kĩ, tuyệt đối không được dùng kim băng để cài bỉm cho con nhé vì sẽ rất nguy hiểm khi trẻ cựa mình, đạp chân tay, kim băng bật ra đâm vào bé.

4. Đóng bỉm có làm chân bé bị vòng kiềng?

– Các mẹ nên nhớ, việc đóng bỉm không làm cho chân bé bị vòng kiềng. Tránh để trẻ bị bệnh còi xương là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chân vòng kiềng.

5. Con trai tôi được 13 tháng, buổi tối đi ngủ tôi thường đóng bỉm cho cháu, nhưng mọi người bảo cháu trai thi không nên đóng bỉm vì như vậy không tốt cho sự phát triển của tinh hoàn?

– Một công trình điều tra của Mỹ cho biết, loại tã giấy trẻ em (đóng bỉm) do kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ cục bộ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là vào khoảng 34 độ C. Khi nhiệt độ tăng lên tới 37 độ C và lâu ngày như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng sau này. Vì vậy, các bà mẹ nên chú ý hạn chế dùng tã giấy cho trẻ. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thì nên thay tã thường xuyên và không nên bắt trẻ đeo tã cả ngày.

Việc đóng bỉm buổi ban đêm là lựa chọn của phần đông các bà mẹ. Tuy nhiên bạn có thể chọn cho mình một hình thức khác nếu lo rằng đóng bỉm cho bé vào mùa hè là quá nóng.

(afamily.vn)