Nên cắt móng tay cho bé yêu như thế nào?

Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo của các mẹ. Thực tế cho thấy, không phải mẹ nào cũng làm được điều này.

Có nên cắt móng tay, móng chân cho bé yêu?

Lẽ tất nhiên, bạn cần làm điều này để đảm bảo an toàn và vệ sinh cho bé sơ sinh. Móng tay, móng chân của bé mỏng, mềm hơn bạn rất nhiều nhưng đừng nghĩ rằng chúng không sắc nhọn. Bé yêu chưa có nhiều khả năng điều khiển bàn tay và có thể khua khoắng mọi lúc nên rất dễ cào xước mặt bé hoặc mặt bạn.

Móng tay của bé lớn rất nhanh và bạn có thể cắt vài lần trong tuần còn móng chân thì đòi hỏi cắt ít hơn.

Làm thế nào cắt móng tay cho bé mà bé không bị đau?

Thời gian tốt nhất để cắt móng cho bé là khi bé ngủ hoặc cũng có thể là sau khi bé tắm xong. Đây là lúc mà móng của bé mềm nhất.

Khi bạn cắt, phải chắc chắn có đủ ánh sáng để nhìn thấy bạn đang làm gì. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kéo cắt móng tay chuyên dụng dành cho bé sơ sinh. Bạn cũng nên nhớ, không nên cầm tay bé quá mạnh, có thể làm trầy xước và tím da. Không cắt quá sát vào đầu ngón tay, vì như vậy bé có thể bị đau. Nên cố định tay bé vào một cái nẹp, bạn sẽ dễ dàng cắt hơn.

Cắt móng tay xung quanh đường viền giữa móng và đầu ngón tay. Cắt móng chân bằng một đường thẳng. Sau đó dùng một tấm bìa cứng (chuyên dụng để giũa móng tay) cọ đầu móng để móng bớt sắc.

Thực tế, nếu bạn kiên nhẫn và móng tay bé không quá dài, nhằm tránh làm bị đau bé, bạn có thể dùng tấm bìa chuyên dụng giũa móng cho bé.

Nếu bạn quyết định sửa móng cho bé trong khi bé đang chơi hoặc vừa thức giấc thì bạn nên nhờ ai đó giữ bé giúp bạn trong khi bạn làm.

Một vài bậc cha mẹ thường cắn móng tay cho bé nhưng sự thực thì nó có thể khiến vi khuẩn từ miệng bạn có thể truyền vào ngón tay bé, gặp vết xước sẽ nhiễm trùng. Bạn cũng không nhìn thấy những gì bạn đang làm khi bạn cúi đầu cắn móng tay, móng chân, vì thế có thể gây nguy hiểm.

Trường hợp cắt vào tay bé, làm gì để máu ngừng chảy?

Hiện tượng này xảy ra với khá nhiều các bậc cha mẹ, nên bạn cũng đừng có hốt hoảng, lo lắng quá mức. Bạn nên giữ chặt lấy đầu ngón tay bị chảy máu để cầm máu, sau đó lấy miếng gạc sạch quấn quanh đó. Máu sẽ ngừng chảy trong một hai phút sau.

Không nên để miếng gạc đó quá lâu trên tay bé vì bé có thể đút vào miệng và nuốt, rồi bị ngạt.

Nếu có thể, bạn nên dùng miếng gạc lỏng, sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Nó không độc và khô nhanh chóng khi bạn bôi nó đồng thời có thể biến mất cùng với vùng da chết sau khi vết thương đã lành.

(Nguồn: Eva)