DHA – RAA và sự phát triển trí tuệ trẻ em

Người mẹ nào cũng luôn có mong muốn ăn uống tốt để cho con khỏe mạnh, nhưng ăn gì và như thế nào để cho trẻ có một sự phát triển tốt về trí tuệ thì không phải người phụ nữ nào và ngay cả các thầy thuốc không phải ai cũng hiểu biết một cách thấu đáo.

Một chất quan trọng đóng góp cho sự phát triển trí tuệ của trẻ đó là acid docosahexaenoic và chất aicd arachidonic (viết tắt là DHA và RAA).

Vậy DHA và RAA là gì?

Não của trẻ trải qua thời kỳ tăng trưởng và phát triển nhanh trong giai đoạn nhũ nhi và đặt nền tảng cho tiềm năng nhận thức sau này. Dinh dưỡng và cung cấp các yếu tố tăng trưởng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của não. Một số chất dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của não, đó là những acid béo không no, có chuỗi nối đôi dài.

Dầu cá
Dầu cá

DHA và RAA là một thành phần trong những acid béo không no rất cần thiết cho sự phát triển về não và thị giác cho trẻ. DHA và RAA là những thành phần quan trọng ở màng tế bào làm tăng tính thấm và làm cho màng tế bào “mềm mại” hơn, trên cơ sở đó giúp cho sự trao đổi các chất qua màng tế bào được dễ dàng hơn đồng thời giúp cho sự phát triển và hình thành tế bào thần kinh của hệ thần kinh trung ương và võng mạc tốt hơn, cũng như dẫn truyền xung động qua thụ thể thần kinh. Những quá trình này hết sức quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ và thị lực của trẻ ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ và đặc biệt trong những giai đoạn phát triển đầu đời.

DHA và RAA được cung cấp cho trẻ qua bánh rau khi còn là thai nhi và sữa mẹ khi trẻ ra đời. Tuy nhiên sau 4 đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ ít đi sẽ dẫn đến giảm số lượng cung cấp cho trẻ cho nên cần phải cho trẻ ăn,uống thêm các thức ăn giàu DHA và RAA.

Khi nào cần phải cung cấp DHA và RAA?

Chế độ ăn trước và trong khi có thai rất quan trọng đối với tình trạng dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs) cho thai nhi. Đặc biệt trong 3 tháng cuối, trung bình một ngày thai nhi cần 2,2 g EFAs cho sự phát triển hệ thần kinh và mạch máu.

Khi trẻ ra đời, yêu cầu về DHA và RAA tăng rất cao, đặc biệt là ở lúc 2-3 tuổi, đó là thời kỳ hệ thần kinh trung ương phát triển nhất thì nhu cầu cung cấp DHA và RAA lại càng quan trọng. Đối với trẻ sinh non, nhu cầu về 2 chất này càng cao để giúp cho não và thị giác phát triển tốt. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị phải cung cấp DHA và RAA cho trẻ đủ tháng là 0,35-0,7%; nhưng cho trẻ đẻ thiếu tháng tăng lên 0,6-0,9% trong khẩu phần về các acid béo không no.

Cá là nguồn DHA lớn và rẻ tiền

 

Với trẻ sơ sinh đủ tháng, nhu cầu về DHA là 20mg/kg/ngày và RAA là 40mg/kg/ngày. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhu cầu về DHA tối thiểu là 17mg/Kcal/ngày và RAA là 34mg/Kcal/ngày.
Các trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường cũng cần được cung cấp đủ DHA bởi chúng không có khả năng chuyển tiền tố DHA (từ dầu thực vật hay các thức ăn thay thế sữa mẹ khác) sang DHA. Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ. Vì vậy, việc cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú tới 24 tháng là rất quan trọng. Trong những trường hợp đặc biệt trẻ không được bú mẹ, phải lựa chọn các thức ăn thay thế có bổ sung các acid béo nói trên.
DHA có nhiều trong dầu cá, cá và thủy sản. Nhóm acid béo omega-3 trong những thực phẩm này còn bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh tim mạch, đột quỵ và giảm viêm khớp.

Ngoài ra, một số sữa bột công thức cũng bổ sung DHA tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

(Nguồn: sức khỏe và đời sống)